Cập nhật diện tích tối thiểu được tách thửa đất theo luật mới nhất

Bao nhiêu mét vuông thì được tách sổ đỏ là thắc mắc chung của nhiều người sử dụng đất, trong khi trên thực tế, diện tích tối thiểu để được tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở mỗi địa phương là khác nhau. Vậy quy định này ở các tỉnh/thành phố cụ thể như thế nào và có sao không nếu người dân cố tình không tuân thủ diện tích tách thửa tối thiểu?

1. Diện tích tối thiểu được tách thửa là gì?
Tách thửa đất là quy trình phân chia quyền sở hữu đất đai từ một người đứng tên, chịu trách nhiệm sang nhiều đối tượng khác nhau. Theo đó, diện tích tối thiểu được tách thửa đất chính là con số mà diện tích thửa đất được tách ra phải đảm bảo lớn hơn hoặc bằng, nhằm đảm bảo việc tách thửa là hợp lệ. Ví dụ, ông A có mảnh đất 100m2 muốn tách thửa 45m2 để chia cho con trai. Tuy nhiên, diện tích tối thiểu được tách thửa đất tại địa phương nơi ông A ở là 50m2, như vậy yêu cầu tách thửa của ông A là không khả thi. 

Điều kiện để được tách thửa đất theo quy định của pháp luật
Mặc dù quy định về diện tích tối thiểu để được tách thửa ở mỗi địa phương là khác nhau, song để thực hiện được thủ tục tách thửa, mảnh đất đó trước hết phải thỏa mãn được 3 điều kiện chung được quy định trong Luật Đất đai 2013 và các văn bản liên quan khác như sau:

- Đất phải có sổ đỏ. Người sử dụng đất đứng tên trên sổ đỏ thì mới có thể tách thửa đất của mình. Nếu đất chưa có sổ đỏ nhưng đủ điều kiện được cấp thì phải làm thủ tục xin cấp, sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới được thực hiện tách thửa.

- Đất tách thửa phải đáp ứng hạn mức, diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của địa phương (do UBND tỉnh ban hành).

- Cá nhân/hộ gia đình muốn được cấp sổ đỏ cho thửa đất đã tách thì phải có nhân khẩu thường trú tại địa phương nơi có đất, có căn cứ chứng minh đất được sử dụng ổn định từ trước đến nay và không vướng quy hoạch, tranh chấp đất đai.

Người dân cần nắm được thông tin về diện tích tối thiểu tách thửa đất tại địa phương mình. Ảnh minh họa: Internet

2. Quy trình, thủ tục tách thửa đất
 
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin tách thửa đất
Theo Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ mà người dân cần chuẩn bị khi yêu cầu tách thửa đất bao gồm các loại giấy tờ sau:

- Đơn đề nghị tách thửa đất (theo mẫu)

- Bản gốc sổ đỏ đã được cơ quan chức năng cấp.

Bước 2: Nộp hồ sơ
Người dân đem nộp hồ sơ trên tại Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp quận/huyện hoặc UBND cấp xã nếu có nhu cầu. Trường hợp hồ sơ nộp tại UBND cấp xã thì muộn nhất là 3 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, UBND cấp xã có trách nhiệm chuyển những giấy tờ này lên Văn phòng đăng ký đất đai cấp quận/huyện.

Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai xác minh hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ (đầy đủ các giấy tờ theo quy định), cơ quan chức năng sẽ tiến hành đo đạc địa chính để tách thửa đất. Sau đó, lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền để cấp sổ đỏ cho thửa đất mới sau khi đươc chia tách ra. Đồng thời chỉnh lý thông tin, cập nhật biến động trên vào cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính của địa phương mình. 

Bước 4: Trao sổ đỏ của thửa đất mới cho người sử dụng đất
Văn phòng đăng ký đất đai sẽ ra thông báo để người dân đến nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi tách thửa, hoặc gửi sổ đỏ này xuống UBND cấp xã để trả cho người dân ngay tại địa phương. 

3. Cập nhật diện tích tối thiểu được tách thửa mới nhất tại một số tỉnh thành

Hà Nội

Các phường

30m2

Các xã giáp ranh các quận và thị trấn

60m2

Các xã vùng đồng bằng

80m2

Các xã vùng trung du

120m2

Các xã vùng miền núi

150m2

TP.HCM

Khu vực 1: Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú

50m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 04m (với đất ở chưa có nhà).

Khu vực 2: Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện được quy hoạch đô thị hóa

80m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 05m (với đất ở chưa có nhà).

Khu vực 3: Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, ngoại trừ thị trấn hoặc khu vực được quy hoạch đô thị hóa thuộc huyện

120m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 07m (với đất ở chưa có nhà).

Theo quy hoạch chi tiết được duyệt. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết thì diện tích tối thiểu sau khi tách thửa phải từ 70m2 trở lên và có kích thước mỗi cạnh không nhỏ hơn 4m.

Qua bài viết trên đây, chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm diện tích tối thiểu được tách thửa đất, điều kiện tiến hành và quy trình tách thửa đất. Cùng với các bài viết khác về thủ tục tách/hợp thửa đất trên, hy vọng độc giả có thêm những thông tin cần thiết trước khi thực hiện các hành vi pháp lý liên quan đến nhà, đất.

Theo batdongsan.com.vn


(*) Xem thêm

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng