BĐS công nghiệp Việt Nam phát triển mạnh cùng làn sóng dịch chuyển
Bất động sản công nghiệp được các chuyên gia đánh giá là một trong những phân khúc có đà tăng trưởng tốt hiện nay. Dòng vốn FDI liên tục tăng qua các năm và làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc là nền tảng cho sự cất cánh của bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Năm 2018, số liệu tổng kết tại hội nghị 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam cho biết Việt Nam nằm trong top 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI. Trong đó, FDI đổ vào bất động sản thường xuyên nắm giữ vị trí thứ 2. Đầu năm 2020 dù nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với vô vàn thách thức của đại dịch Covid-19 nhưng vị trí thứ 2 tiếp tục được duy trì. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lũy kế đến tháng 5/2020, vốn FDI đầu tư hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 58,32 tỷ USD, chiếm 15,49% tổng vốn FDI, chỉ đứng sau ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, sức hút của bất động sản công nghiệp Việt Nam đến từ nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, là việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) buộc Việt Nam liên tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở đã hút mạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ hai, Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi là điểm trung chuyển hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và hàng xuất khẩu sang Mỹ và EU qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải. Do đó, Việt Nam có lợi thế lớn cho xuất nhập khẩu hàng hóa các ngành công nghiệp, thúc đẩy phát triển logistics.
Thứ ba, chi phí sản xuất ở Việt Nam là dưới 1 USD/giờ - mức thấp nhất trong ASEAN, chi phí lao động trung bình ước tính thấp hơn 43% so với Thái Lan và thấp hơn 10% so với Indonesia.
Thứ tư, môi trường đầu tư của Việt Nam đang nỗ lực đổi mới và ngày càng cải thiện. Những thay đổi về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc thông quan hàng hóa, góp phần đẩy mạnh hoạt động đầu tư nước ngoài.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ
Bên cạnh những lợi thế lớn từ nguồn vốn FDI tăng trưởng, khoảng 2 năm gần đây, bất động sản công nghiệp còn chứng kiến làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc. Để tránh những tác động tiêu cực của xung đột thương chiến Mỹ - Trung, nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc và nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng dịch chuyển nhà máy, công xưởng sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam.
Một nghiên cứu từ Nikkei Asian Review cho biết gần 70% trong số 33 công ty Trung Quốc được đơn vị này khảo sát đã và đang có kế hoạch dịch chuyển nhà máy đến các thị trường nước ngoài. Một trong những địa điểm được các đơn vị này cân nhắc lựa chọn nhiều là Việt Nam.
Một số tập đoàn công nghệ lớn thế giới đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất, đầu tư sang Việt Nam. Những tên tuổi lớn được truyền thông nhắc tới có thể kể đến LG, Panasonic, Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple, TCL, Hanwha, Yokowo, Huafu,Lenovo, Nintendo, Sharp, Kyocera…
Đón nhận những động thái trên, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Báo cáo của JLL cho biết tính đến hết quý 3/2019 tăng 6,7%, đạt 95 USD/m2/chu kỳ thuê so với quý 3/2018. So với quý 1/2019, tỷ lệ lấp đầy trung bình ghi nhận ở tất cả các khu công nghiệp hoạt động tại 5 tỉnh, thành phố năng động nhất vùng là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đạt 69%, tăng 200%. Giá thuê trung bình hàng tháng cho nhà máy dao động từ 4-5 USD/m2/tháng.
Sang năm 2020, dù dịch Covid-19 khiến thị trường phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng giá đất vẫn tăng trong quý 1/2020. Các chủ đầu tư đều nhận định xu hướng đầu tư bất động sản công nghiệp mang tính chất dài hạn. Giá đất trung bình trong quý 1 đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0-5,0 USD/m2/tháng và đều đã được lấp đầy.
Theo batdongsan.com.vn
Xem thêm