3 làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam
Trong 25 năm qua đã có 3 làn sóng đầu tư vào bất động sản công nghiệp Việt Nam và làn sóng sau mạnh mẽ hơn làn sóng trước.
Mới đây, tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam, thông tin từ batdongsan.com.vn, cho biết trên nền xám của bức tranh thị trường, bất động sản công nghiệp lại trở thành điểm sáng trong năm nay và dự báo cho cả năm 2021 bởi những tác động từ các hiệp định thương mại EVFTA, RCEP, kế hoạch lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam của nhiều tập đoàn.
Ngoài ra, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để kinh tế có thêm nhiều hy vọng. Thị trường bất động sản công nghiệp có sự tăng trưởng mạnh, các khu công nghiệp đều tăng trưởng lượng tìm kiếm trong quý 3/2020. Trong quý 3/2020, cả nước đã có 369 khu công nghiệp được thành lập, tăng 33 khu so với thời điểm quý 2/2020 và 280 khu công nghiệp đi vào hoạt động, tăng 19 khu so với quý 2/2020.
Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp Công ty CBRE Việt Nam, nhận định từ năm 2020 trở đi, khách thuê đất tại các khu công nghiệp có xu hướng mở rộng sản xuất bằng cách tìm thuê đất tại các khu vực mới nổi. Hiện các chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam nên nhu cầu tìm kiếm bất động sản công nghiệp cũng đang lớn dần.
Thị trường bất động sản khu công nghiệp đang khởi sắc
Thống kê của BW Industrial cho thấy trong 9 tháng qua, đã có nhiều doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc và chọn Việt Nam là điểm đến, nhất là những doanh nghiệp có nguồn gốc từ châu Âu. Nhiều nhà đầu tư khác đã lựa chọn Việt Nam làm nơi đặt hậu cần như Samsung đã mang theo hàng trăm nhà cung ứng nước ngoài đến Việt Nam. Thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong 5 - 10 năm tới nhờ vào nhu cầu lớn trong việc thiết lập nhà xưởng của các nhà đầu tư mới và hiện hữu.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 25 năm qua, có 3 làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp vào Việt Nam và làn sóng sau mạnh mẽ hơn làn sóng trước. Làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996, làn sóng thứ hai năm 2008 và làn sóng thứ 3 năm 2020. Lần này mạnh mẽ hơn các lần trước, bắt nguồn từ sự dịch chuyển sản xuất từ các nước sang Việt Nam.
Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp hàng đầu từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều xem Việt Nam là một điểm đến ưu tiên. Đây là kết quả của việc Chính phủ vừa kiểm soát tốt dịch, vừa thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, chặn đà suy giảm kinh tế. Hiệp định thương mại tự do được Chính phủ ký kết trong năm 2020 và có hiệu lực gần đây nhất là Hiệp định EVFTA cũng đã góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo thanhnien.vn
Xem thêm